DIỄN ĐÀN THANH NIÊN TRƯỜNG THPT NAM ĐÔNG
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tìm cơ hội trúng tuyển đại học

Go down

Mod Tìm cơ hội trúng tuyển đại học

Bài gửi by tanbinh 26/05/12, 01:38 am

"Qua số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi, chỉ tiêu của từng ngành và điểm chuẩn những năm trước, các chuyên gia dự đoán được phần nào khả năng vào ĐH của thí sinh.

>> Không ""né"" vấn đề nóng
>> Thí sinh đi thi được giảm 10% giá vé tàu
>> Thông tin mới nhất về tỉ lệ chọi ĐH-CĐ 2012

Cạnh tranh gay gắt ở khối ngành kinh tế

Trong nhiều năm qua, kinh tế liên tục là khối ngành “nóng” thu hút đông đảo thí sinh dự thi. Tuy năm nay hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi vào kinh doanh và quản lý đã giảm từ 800.000 (năm 2011) xuống còn 550.000 (năm 2012) nhưng đây vẫn là nhóm ngành có lượng thí sinh đăng ký đông nhất trong toàn bộ các nhóm ngành nghề với tỷ lệ 30,44%. Do vậy, theo các chuyên gia, đây vẫn là nhóm có mức cạnh tranh khốc liệt với thí sinh trong mùa thi năm nay.

Tìm cơ hội trúng tuyển đại học Timcohoitrungtuyen

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, nói: “Hiện tại thí sinh có thể tham khảo tỷ lệ “chọi” (số chỉ tiêu trên số hồ sơ đăng ký dự thi vào từng ngành cụ thể) để biết mình sẽ phải cạnh tranh với bao nhiêu thí sinh cùng thi vào ngành đó. Quy luật chung là tỷ lệ “chọi” càng cao thì mức cạnh tranh càng lớn, mặt bằng điểm chuẩn sẽ càng cao. Ví dụ, cùng ngành tài chính ngân hàng thì Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM là 1/9,7 (550 chỉ tiêu/5.345 hồ sơ); Trường ĐH Tài chính - Marketing là 1/8 (640/5.170); Trường ĐH Quốc tế là 1/4 (120/485)…”. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, lưu ý thêm: “Khả năng trúng tuyển khó hay dễ còn phụ thuộc vào chất lượng thí sinh dự thi vào trường. Ví dụ, năm 2010 cùng tuyển sinh quản trị kinh doanh nhưng tại Trường ĐH Sài Gòn tỷ lệ “chọi” là 1/25 (300/7.575) nhưng điểm chuẩn là 16,5 khối A và 17 khối D1. Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tỷ lệ “chọi” chỉ 1/6,25 (4.000/25.000) nhưng điểm chuẩn chung vào trường này là 19”. Ông Minh cũng nhắc nhở: “Bản thân một trường, sự cạnh tranh khác nhau ở các ngành. Chẳng hạn cùng nhóm ngành kinh tế của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhưng điểm chuẩn năm 2011 ngành tài chính ngân hàng là 18,5 trong khi ngành hệ thống thông tin quản lý chỉ 17”.

Vì vậy, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn cho rằng: “Nếu thí sinh chắc chắn đạt 8 điểm mỗi môn thì khả năng có thể đậu được vào nhiều trường tốp trên, trừ Trường ĐH Ngoại thương. Nhưng nếu chỉ đạt khoảng 6 điểm mỗi môn, thí sinh cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để không đánh mất cơ hội trúng tuyển vào các trường tốp dưới”.

Cân nhắc chọn ngành ở khối y - dược

Y dược nằm trong các khối ngành thí sinh khó trúng tuyển nhất, điểm chuẩn vào ngành này thường rất cao. Năm 2011 ngành điều dưỡng của Trường ĐH Y dược TP.HCM có điểm chuẩn 18 nhưng là ngành có điểm thấp nhất của trường này. Cao nhất là ngành y đa khoa, 24,5 điểm. Điểm chuẩn của Trường ĐH Y Hà Nội còn cao hơn: y đa khoa là 26,5; y tế công cộng thấp nhất cũng 20 điểm. Vì điểm cao nên chỉ những thí sinh có học lực giỏi mới dám đăng ký dự thi vào những trường này. Tuy vậy, với những thí sinh yêu thích khối ngành y dược nhưng có học lực trung bình - khá vẫn có những trường vừa sức.

Theo PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, một số ngành như bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ y học cổ truyền, y tế công cộng thì điểm chuẩn hằng năm thấp hơn, thí sinh có học lực trung bình - khá có thể thi được. “Với thí sinh có học lực trung bình trở xuống, tại TP.HCM hiện có 3 trường CĐ có đào tạo khối ngành này là: Bách Việt, Kinh tế kỹ thuật miền Nam, bậc CĐ tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Các trường này đào tạo bậc CĐ và TCCN 3 ngành dược, điều dưỡng và y sĩ đa khoa. Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa cho phép liên thông từ bậc CĐ lên ĐH nhưng với nhu cầu ngày càng lớn, có thể trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có chương trình liên thông. Riêng chương trình liên thông từ TC lên ĐH, mỗi năm Trường ĐH Y dược TP.HCM tuyển 180 chỉ tiêu”, ông Tịnh nói.

Nhiều lựa chọn ngành khoa học xã hội - nhân văn

Ở khối ngành xã hội - nhân văn, trong những năm qua, mức độ cạnh tranh nhìn chung không cao. Thậm chí có nhiều ngành học hằng năm tỷ lệ “chọi” chỉ ở mức 1/1. Tuy vậy, cũng có một số ngành trong khối ngành này không dễ trúng tuyển.

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), các ngành báo chí và truyền thông, quan hệ quốc tế, ngữ văn Anh, tâm lý học thường có điểm chuẩn khá cao. Với các ngành này, điểm chuẩn thấp nhất khoảng 18, thí sinh có học lực trung bình - khá trở lên mới nên đăng ký thi vào. Tuy vậy, thí sinh yêu thích những ngành học này nhưng có học lực trung bình trở xuống vẫn có cơ hội tại nhiều trường khác. Với nhóm ngành báo chí - truyền thông, điểm chuẩn năm 2011 tại Trường CĐ Phát thanh truyền hình II: báo chí (11 điểm), công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông (10 điểm). Điểm chuẩn ngành quan hệ công chúng của Trường ĐH Văn Lang và Trường CĐ Bách Việt chỉ lấy bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, ngành tâm lý học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2011 cũng có điểm chuẩn bằng điểm sàn. Điểm chuẩn ngành ngữ văn Anh tại rất nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn 1 điểm.

Nguồn: Thanh Niên
"










tanbinh
5 sao
5 sao

Tổng số bài gửi : 67
Registration date : 09/03/2012

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết